Google kiếm tiền bằng cách nào?
Thông qua việc bán quyền quảng cáo thay vì chạy barner, mỗi lần nhấp chuột, Google nhận được trung bình 50 xu từ nhà quảng cáo. Khi ngày càng có nhiều người kết nối trực tuyến, các hãng kinh doanh đã cố gắng để đưa mình lên mạng Internet. Ngành quảng cáo đã có một sự thay đổi vượt bậc vì hàng tỉ USD đã được chuyển đổi từ một phương tiện truyền thống sang một thế giới trực tuyến, và Google hơn bất kỳ một công ty nào trong lĩnh vực này đã tìm ra cách sinh lợi trong một ngành mới mẻ và biến nó thành một hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ.
Càng có nhiều người sử dụng máy tính bấm chuột vào các quảng cáo của Google thì các chủ của các trang web càng kiếm được thêm nhiều tiền. Họ càng kiếm được nhiều tiền thì các website khác lại càng muốn đưa dịch vụ tìm kiếm Google và công nghệ quảng cáo vào các trang quảng cáo của họ. Mạng lưới càng phát triển mạnh thì Google càng khó bị các đối thủ khác đánh bại.
Năm 2002 doanh thu bán hàng của Google ước tính đạt 440 triệu USD và có lợi nhuận 100 triệu USD. Rõ ràng tất cả lợi nhuận Google có được là từ việc người ta bấm chuột vào các quảng cáo bằng văn bản xuất hiện phía bên phải trong các trang tìm kiếm ở địa chỉ Google.com và trong các trang của các đối tác, các chi nhánh Ví dụ: Amazon.com và eBay đều đăng quảng cáo lớn trên Google, mua những mục quảng cáo quan trọng mà sẽ được gửi tới hàng ngàn người sử dụng máy tính những vị trí web tốt nhất.
Tuy nhiên, hiện nay một nửa doanh số bán hàng của Google đều chủ yếu nhờ vào mạng lưới các trang web ngày càng mở rộng và có đăng các quảng cáo do Google cung cấp. Có thể hình dung giống như một mạng lưới truyền hình, cung cấp quảng cáo và các chương trình tới chi nhánh của nó. Điều đó đóng vai trò quan trọng giúp Google phát triển bền vững trong tương lai.
Càng ngày Google càng nhận thức rõ ràng được sự quan tâm của những người sử dụng dịch vụ Internet tới từ các nước đang phát triển. Bằng chứng là Google ngày càng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ sử dụng dịch vụ của họ, trong đó có cả Tiếng Việt (Gmail, Google Translate). Bên cạnh đó Google cũng đang tham vọng mở rộng lĩnh vực kinh doanh bằng cách lấn sân sang thị trường viễn thông di động và đầu tư mạo hiểm. Tất cả những hoạt động trên đã tạo cho hãng tìm kiếm khổng lồ này một thị phần vững chắc ở khu vực những nước đang phát triển và đang góp phần không nhỏ trong doanh thu khổng lồ mà Google hướng tới trong tương lai.
Vài suy nghĩ về thị trường tìm kiếm trực tuyến hiện nay của Việt Nam
Hiện nay bên cạnh những trang tìm kiếm lớn và phổ biến như Yahoo, Google…, thị trường tìm kiếm Việt cũng cạnh tranh khá sôi nổi với hàng chục trang web tìm kiếm khác nhau như search.zing.vn, bamboo.com, 7sac.com, 123go.vn, diadiem.com... Mỗi hệ thống tìm kiếm (Search Engine – S.E) có một ưu thế riêng và đều cố gắng cung cấp những thông tin về một số lĩnh vực riêng như y tế, tài chính, bất động sản, thể thao, du lịch...
Mặc dù thị trường tìm kiếm trực tuyến trong nước phát triển khá mạnh, thế nhưng một vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp nội địa là thiếu vốn và yếu về công nghệ. Đa số các S.E trong nước sử dụng công nghệ nước ngoài, hoặc phát triển trên nền cơ sở dữ liệu của các ông lớn trong lĩnh vực này là API của Google, Yahoo, hay các phần mềm mã nguồn mở Lucene, Sph. Trong năm 2008 đã xuất hiện khá nhiều S.E “made in Vietnam” là công cụ tìm kiếm tiếng Việt như 7sac.com, monava.com, bamboo.com... Các sản phẩm này tự gọi mình là “Search Engine”, nhưng bản chất đó chỉ là một công cụ tìm kiếm - tra cứu trong cơ sở dữ liệu nhỏ và không tập trung vào xử lý truy vấn người dùng. Bằng chứng là nhiều sản phẩm ra đời rất đình đám nhưng đều đã tự rút lui khỏi thị trường tìm kiếm nhanh chóng.
Các chuyên gia về lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến cho biết, để có một S.E thực thụ cần thiết có nhiều server (máy chủ). Người làm công cụ tìm kiếm cần phải có một mạng lưới server lớn, thiết kế được một phương thức lưu trữ dữ liệu và kết hợp dữ liệu trả về cực tốt. Cho nên chi phí là vô cùng lớn. Một số S.E nội địa khéo léo chọn giải pháp tìm kiếm theo lĩnh vực phạm vi hẹp. Đó là chiến lược đúng đắn nhưng sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh với các trang web lớn. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền, đặc biệt là các trang web lưu trữ và tìm kiếm âm nhạc phải tốn chi phí khá lớn. Thế nhưng ngược lại, thị trường quảng cáo online trong nước khá “hẻo”..
Do vậy để cạnh tranh với các đối thủ lớn như Yahoo hay Google, các công ty phải tìm được những đặc tính riêng biệt mà những “ông lớn” này chưa có. Theo một số chuyên gia, thực chất các S.E trong nước cũng có lợi thế rất lớn vì tính chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa. Các trang web tìm kiếm nước ngoài mặc dù đã hỗ trợ tìm kiếm bằng tiếng Việt nhưng sẽ không có khả năng chuyên sâu tìm kiếm hơn so với các trang web tìm kiếm bằng tiếng Việt được đầu tư đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó nhiều thông tin trên Internet ở dưới dạng những trang web ẩn hoặc do các nhà cung cấp nội dung nắm giữ liên quan đến bản quyền mà các công ty nước ngoài nếu muốn khai thác sẽ gặp rắc rối hơn nhiều so với các công ty bản địa. Thêm nữa để thu hút người dùng sử dụng thường xuyên, mỗi công cụ tìm kiếm phải đạt một số chuẩn mực như: Nhanh – Nhiều – Chính xác và Khoa học. Do vậy để cạnh tranh với những đối thủ trong nước, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải tạo cho mình sự khác biệt như về chức năng hay giao diện.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng với trên 20 triệu người sử dụng dịch vụ Internet và đang có xu hướng gia tăng trong những năm tới khi nền kinh tế phát triển và ngày càng hội nhập. Tuy nhiên theo thống kê của một số báo điện tử hiện chỉ có khoảng 30% người sử dụng thường xuyên tìm kiếm bằng các S.E nội địa. Vì vậy để tạo được một chỗ đứng vững vàng, các công ty trên thị trường tìm kiếm nói riêng cần phải nỗ lực tìm kiếm những nguồn đầu tư vững chắc và xây dựng cho hệ thống của mình những tính năng mới lạ, riêng biệt và thực sự hữu dụng đối với người sử dụng bản địa.
Theo The Thao & Van Hoa
Dân chơi style ngại gì 1 LIKE
|