Quản lý quảng cáo: Cần đặt đúng nơi quản lý
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 7.000 DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo hàng năm khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD, nhưng 80% lại rơi vào tay các DN nước ngoài. Các DN quảng cáo Việt Nam thua ngay trên sân nhà.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 7.000 DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Doanh thu từ quảng cáo hàng năm khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD, nhưng 80% lại rơi vào tay các DN nước ngoài. Các DN quảng cáo Việt Nam thua ngay trên sân nhà.
Có nhiều lý do để giải thích cho việc các DN quảng cáo Việt Nam thua trên sân nhà, nhưng trong đó có lý do quan trọng là các chính sách đã lỗi thời và hoạt động quản lý quảng cáo bị xé lẻ phân tán, không hỗ trợ được các DN.
Văn hoá lại quản lý... kinh tế
Ông Hà Văn Tăng, Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho biết, trước đây, Bộ Văn hoá - Thông tin được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quảng cáo. Khi đó, quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo từ báo chí phát thanh truyền hình cho đến quảng cáo ngoài trời.
Nhưng sau này, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập, Cục quản lý Báo chí, Xuất bản chuyển sang Bộ này, mang theo cả chức năng quản lý về quảng cáo trên báo chí truyền thanh, truyền hình thì Bộ VH-TT&DL chỉ còn quản lý mỗi phần quảng cáo ngoài trời.
Theo thống kê thì quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh số toàn ngành quảng cáo, còn quảng cáo trên truyền hình, phát thanh, báo chí, internet chiếm tới trên 80% doanh số. Hiện nay trên lý thuyết thì Bộ VH-TT&DL vẫn giữ chức năng quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động quảng cáo, trong khi Bộ Thông tin và truyền Thông không được giao nhiệm vụ này.
Đây chính là bất hợp lý lớn trong hoạt động quản lý quảng cáo hiện nay. Bộ VH-TT&DL, tầm quản lý và trách nhiệm với quảng cáo không lớn, tầm quan tâm cũng rất hạn chế bởi giờ chỉ còn quản lý khoảng 10% quảng cáo, nên giúp được DN rất ít. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chơi vơi, không được giao quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo nhưng vẫn phải làm.
Hiện nay nhiệm vụ quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo của Bộ VH-TT&DL được thực hiện không đầy đủ. Cục Văn hoá cơ sở chỉ quản lý về quảng cáo ngoài trời. Tại Cục này có Phòng quảng cáo và tuyên truyền. Phòng vừa làm nhiệm vụ quản lý quảng cáo, vừa làm truyên truyền vì thế nhiệm vụ quản lý quảng cáo bị thu hẹp.
Quản lý quảng cáo trong lĩnh vực thể thao do Cục Thể thao lo, quảng cáo điện ảnh do Cục Điện ảnh lo, còn nhiệm vụ quản lý hoạt động quảng cáo chung tất cả thì chưa thấy đâu.
Quảng cáo vốn là ngành kinh tế cần phải được quản lý bởi một bộ chuyên về kinh tế quản lý. Điều tréo nghoe hiện nay là Bộ VH-TT&DL không phải là một bộ kinh tế nhưng lại quản lý hoạt động quảng cáo.
Việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo cho Bộ Văn hoá Thông tin trước kia là hợp lý, bởi các cơ quan quản lý báo chí xuất bản thuộc Bộ này. Song, nay đã tách ra và thành lập Bộ Thông tin truyền Thông, việc để Bộ VH-TT&DL quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo mà không có sự điều chỉnh kịp thời đã gây ra nhiều khó khăn cho DN.
DN quảng cáo như đứa con rơi
Đó là cách ông Tăng ví von để nói về tình trạng của các DN quảng cáo hiện nay khi gặp chuyện vướng mắc. Chẳng hạn, một sản phẩm quảng cáo được DN ký với khách hàng thực hiện cả trên báo chí lẫn biển ngoài trời, cùng một market, khi đăng trên báo thì không có vấn đề gì, nhưng khi đưa đi duyệt để xin giấy phép dựng biển ngoài trời có khi không được chấp nhận.
Lý do, có thể chỉ là theo cách nghĩ của nhân viên các Sở VH-TT&DL, chứ không dựa trên tiêu chuẩn nào, DN cũng chịu không biết kêu ai.
Đấy chỉ là một ví dụ đơn giản, còn những vấn đề lớn hơn thì DN đành "bó tay", như chính sách ưu đãi về thuế, về vốn đầu tư, hay về đào tạo... mà thiếu sự hỗ trợ này thì rất khó lớn mạnh. Chính sách đang áp dụng thì đã lỗi thời không phù hợp, muốn đề nghị chính sách mới, không biết đề nghị ở đâu, bởi không có 1 cơ quan quản lý đủ tầm để có thể ra chính sách hay đề đạt nguyện vọng lên cấp trên.
Ngành quảng cáo giờ chẳng biết kêu ai đã đành, nhưng muốn kêu cũng chẳng có ai dành thời gian nghe.
Quảng cáo báo in thì dễ, nhưng quảng cáo ngoài trời thì rối như canh hẹ
Ông Tăng cho biết, có nhiều chính sách ban hành từ lâu, không còn phù hợp nữa như các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực không khuyến khích các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành quảng cáo. Nhưng kêu lên Bộ VH-TT&DL không được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không, Bộ Công Thương lại càng không, đành chịu. Cho đến nay, ngành quảng cáo giống như đội quân thiếu chủ tướng mạnh ai nấy làm không ai quan tâm đúng mức. Đây là câu chuyện buồn trong lĩnh vực quảng cáo.
Ngay từ năm 1998, vấn đề quản lý quảng cáo đã được đưa ra bàn. Chúng ta định xây dựng Luật quảng cáo dựa theo Nghị quyết TƯ 5 khoá 8 (1998) về việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng quảng cáo phát triển khá nhanh, nên Quốc hội quyết định làm Pháp lệnh về quảng cáo cho nhanh. Năm 2001 Pháp lệnh ra đời nhưng chưa bao quát hết hoạt động quảng cáo. Gần 10 năm qua Pháp lệnh đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế rõ nét. Năm 2010 dự kiến Luật quảng cáo ra đời, nhưng nay đã phải lui lại.
Qua tìm hiểu, Luật quảng cáo chưa thể ra đời trong năm 2010 bởi Bộ VH-TT&DL là cơ quan soạn thảo luật, nhưng còn nhiều vấn đề gây tranh cãi và thiếu sự thống nhất cửa các cơ quan liên quan.
Theo ông Tăng, cần có một cơ quan làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo thống nhất và đủ mạnh để làm công việc này. Ít nhất phải có một Cục quản lý thuộc một Bộ mạnh về kinh tế hoạt động quảng cáo để xây dựng chính sách cũng như xem xét các vấn đề trong hoạt động quảng cáo thì quảng cáo Việt Nam mới phát triển.
Trên thế giới, quản lý hoạt động quảng cáo thuộc Bộ Công Thương hoặc Thương mại - là một bộ kinh tế có các cơ quan chức năng đủ mạnh để quản lý hoạt động này. Ở Việt Nam hiện nay, nếu Bộ Công thương không tham gia, phù hợp nhất sẽ là Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Hiệp hội quảng cáo hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Nếu vẫn là Bộ VH-TT&DL quản lý như hiện nay thì sự bất hợp lý này sẽ khó mà giúp ngành quảng cáo phát triển.
Theo VNR
|
|
|
Dân chơi style ngại gì 1 LIKE
|